Thăng tiến trong công việc Mục vụ Giuse_Maria_Trịnh_Văn_Căn

1949-1963: Giai đoạn làm linh mục

Ngày 3 tháng 12 năm 1949, tại Nhà thờ chính tòa Hà Nội, Giám mục Chaize truyền chức linh mục cho Trịnh Văn Căn cùng 4 người khác.[20] Sau khi thụ chức, tháng 2 năm 1950, tân linh mục Căn được bổ nhiệm về xứ Hàm Long để phụ tá cho linh mục chánh xứ Giuse Trịnh Như Khuê.[18][21] Một năm sau, linh mục Trịnh Như Khuê được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục Hà Nội. Ông cũng rời Hàm Long lên tòa giám mục nhận chức thư ký của tân giám mục. Sau đó, ông kiêm chức phó xứ nhà thờ chính tòa và phó giám đốc trường Trung học Dũng Lạc.[22][gc 1]

Tháng 8 năm 1952, linh mục chánh xứ chính toà Phêrô Nguyễn Huy Mai được bổ nhiệm làm giám đốc Tiểu chủng viện Piô XII kiêm tổng đại diện.[22] Linh mục Căn được lên làm chánh xứ nhà thờ chính tòa Hà Nội (Nhà thờ Lớn) kiêm tổng quản miền Hà Nội. Năm 1954 khi hiệp định Genève được thực thi, 100 trong số 180 linh mục của giáo phận di cư cùng với giáo dân vào miền Nam Việt Nam. Linh mục Căn ở lại cùng với một số giáo dân phục vụ giáo phận và tiếp tục công trình trùng tu nhà thờ.[23] Giáo dân đương thời xem ông là một trong những người dẫn dắt giáo hội Công giáo ở miền Bắc Việt Nam và giúp dân chúng vượt qua những khó khăn khi hoàn cảnh xã hội trở nên biến động vì quan hệ giữa chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Tòa Thánh Vatican bị rạn nứt.[24] Vào năm 1958, ông ra lệnh rung chuông Nhà thờ Lớn Hà Nội trong vòng một tiếng đồng hồ để kêu gọi sự trợ giúp từ giáo dân đến cứu nhà thờ trước một nhóm người xưng là quần chúng kéo đến giành trang trí nhà thờ trong dịp lễ Giáng Sinh[25]. Nguyên do cũng vào thời điểm một năm trước, chính quyền nhân dịp Lễ Giáng sinh đã cho một đám đông đến nhà thờ này treo đèn hoa trang trí và buộc nhà thờ phải thanh toán với tổng số tiền quá cao. Sau việc này, linh mục Căn và linh mục Tổng đại diện Tổng giáo phận Hà Nội Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh cùng một số giáo dân bị chính quyền quy tội phá rối trị an. Linh mục Căn bị tuyên án 12 tháng tù treo.[26][gc 2] Năm 1959, linh mục Căn làm chánh xứ Nhà thờ chính tòa, đồng thời kiêm nhiệm xứ Kẻ Sét.[1][23] Cùng năm này, nhà nước lúc bấy giờ đã tiến hành tịch thu khu đất tại Tòa Khâm sứ Hà Nội. Linh mục Chánh xứ Nhà thờ chính tòa Hà Nội Trịnh Văn Căn đã phải di chuyển tượng Đức Mẹ ra khỏi Tòa Khâm sứ vì lời đe doạ từ phía chính quyền.[27][28] Năm 1960, với vai trò đại diện Hạt Đại diện Tông Tòa Hà Nội, linh mục Trịnh Văn Căn đến Hạt Đại diện Tông Tòa Lạng Sơn để dự đám tang cố Giám mục Đại diện Tông Tòa Félix-Maurice Hedde Minh. Tuy nhiên, khi đến nơi, việc an táng đã hoàn tất.[29]

Khi nói về quá trình mục vụ của linh mục Trịnh Văn Căn, Giám mục Lôrensô Chu Văn Minh cho biết: trong thời gian mà linh mục Căn làm chính xứ Nhà thờ Lớn, ông rất quan tâm và yêu thương trẻ em, giúp lễ, ca đoàn, tổ chức vui chơi dã ngoại. Vì là một người yêu mến Maria như Giám mục Trịnh Như Khuê,[30][gc 3] ông sắp xếp và tập trung kĩ lưỡng cho các việc tôn kính bà; ông cũng yêu thương những người khó nghèo. Linh mục Căn là một người luôn giúp đỡ, cảm thông với giáo dân, và quan tâm chăm sóc các linh mục trẻ cũng như các nữ tu và các nhà dòng trong giáo phận.[31]

1963-1979: Thăng tiến lên Giám mục

Đến ngày 5 tháng 2 năm 1963, Toà Thánh bổ nhiệm linh mục Trịnh Văn Căn làm Tổng giám mục phó Tổng giáo phận Hà Nội với quyền kế vị, tuy vậy lúc đó tòa giám mục Hà Nội chưa loan báo tin này vì nhiều lý do khác nhau.[34][35] Mãi đến 4 tháng sau, ngày 2 tháng 6 năm 1963[1], linh mục Căn mới được tấn phong giám mục chính thức với tước hiệu phó tổng giám mục hiệu tòa Aela. Lễ tấn phong do Tổng giám mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê làm chủ phong tại Nhà thờ Lớn Hà Nội dưới sự ngạc nhiên của giáo dân tổng giáo phận. Lúc ấy, Giám mục Căn được 42 tuổi[36][37] Ngày hôm sau, thông cáo từ tòa tổng giám mục Hà Nội tuyên bố bổ nhiệm ông làm Tổng giám mục phó của tổng giáo phận.[gc 4] Một số người đương thời đã xem đây là hình thức "phong chức trước báo sau" cũng như nhiều trường hợp khác theo chủ ý của Tổng giám mục Giuse Maria Như Khuê.[39] Cùng năm, ông tham dự Công đồng Vatican II cùng Tổng giám mục Sài Gòn Phaolô Nguyễn Văn Bình.[40][gc 5]

Từ năm 1973, Giám mục Trịnh Văn Căn đã dịch những bài hát tiếng Latinh sang tiếng Việt. Cùng trong năm này, Đại chủng viện Tràng Tập được mở cửa trở lại với danh hiệu mới là Đại chủng viện Thánh Giuse. Ông đảm nhiệm cương vị Giám đốc Đại chủng viện này[42][gc 6] Năm 1974, Tòa Thánh mời giám mục Khuê dự Thượng hội đồng Giám mục Thế giới với chủ đề "Evangelization in the Modern World" (Loan báo Tin Mừng trong thế giới hiện đại) tại Roma.[44] Vì lý do sức khỏe, Tổng giám mục Trịnh Như Khuê đã cắt cử Tổng giám mục phó Trịnh Văn Căn đi dự thay với sự tháp tùng của linh mục thư ký Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang.[45]

Ngày 21 tháng 9 năm 1974, ông sang Roma để tham dự Thượng hội đồng Giám mục Thế giới.[16] Ông là giáo sĩ đầu tiên đến từ Bắc Việt Nam tham gia một sự kiện Công giáo Quốc tế, kể từ năm 1954.[46] Lễ khai mạc được tổ chức ngày 27 tháng 9 năm 1974. Đây là sự kiện kết nối đặc biệt vì sau 20 năm chiến tranh Giáo hội Công giáo ở miền Bắc Việt Nam không có điều kiện liên lạc thường xuyên chính thức với Tòa Thánh.[16] Trong bài diễn văn khai mạc, Giáo hoàng Phaolô VI chào mừng phái đoàn Việt Nam và bày tỏ sự tôn trọng khi nhắc tên Tổng giám mục phó của Hà Nội. Tại Thượng hội đồng Giám mục thế giới, ông đã đọc bài tham luận trình bày vắn tắt bốn điểm về tình hình hoạt động của Giáo hội Công giáo tại miền Bắc Việt Nam.[gc 7][47] Trong thượng hội đồng, ông cũng nói: Xin hãy gửi cho chúng tôi đời sống của các Thánh và ông cho rằng đó là điều cần nhất cho giáo dân của mình lúc đó.[48] Giám mục Căn có bài phát biểu thứ hai trước Thượng hội đồng về vấn đề Trẻ em và vấn đề truyền giáo. Bài tham luận thứ II có nội dung chính là trẻ em là vai trò của trẻ em trong loan báo Phúc Âm. Bài tham luận đã tạo tiếng vang lớn trên toàn cầu, Roger Brien, một thi sĩ – văn hào ở Nicolet, Québec, Canada viết thư cho Tổng giám mục Căn, ghi rằng:"Trên thế giới Ngài đã thực sự được nổi tiếng về vấn đề "Rao giảng Phúc Âm của các trẻ em".[49] Ông không nhắc tới chính trị hay chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam.[50] Thượng Hội đồng kết thúc vào ngày 26 tháng 10.[49] Vào ngày 19 tháng 10, nhờ sự sắp xếp và tài trợ của Đức ông Hasseler (Hüssler), Giám đốc Caritas quốc tế đã chịu mọi phí tổn giúp Giám mục Trịnh Văn Căn được gặp lại mẹ của mình, bà Anna Nguyễn Thị Thảo, sau 20 năm đằng đẵng xa cách.[20] Trong cuộc gặp này còn có chị của mẹ Tổng giám mục Căn, đồng thời là thân mẫu linh mục Giuse Kỷ. Nội dung cuộc gặp, giáo hoàng hỏi thăm về tình hình giáo tỉnh Hà Nội, hàng giáo sĩ và giáo hữu. Kết thúc cuộc gặp gỡ, giáo hoàng tặng Tổng giám mục Căn một quả chuông có kích thước nhỏ, trên đỉnh chạm khắc chữ tượng trưng Chúa Kitô, xung quanh có bốn vị thánh công giáo là tác giả các sách Phúc âm và miệng chuông ghi chữ "công đồng Vaticano II". Ngoài ra, giáo hoàng cũng tặng vị tổng giám mục phó Hà Nội các sách nói về Công đồng Vatican II, các hình ảnh về Hội đồng. Các hình ảnh này Trịnh Văn Căn cho sao in ra nhiều để tặng các tín hữu Công giáo làm quà, kèm một số tràng hạt do chính giáo hoàng làm phép.[51] Việc sắp xếp cho chuyến đi của mẫu thân Trịnh Văn Căn còn có các linh mục; các nữ tu ngoại quốc, Tổng giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn Phaolô Nguyễn Văn Bình và cả Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt Nam Henri Lemaitre.[52] Tháng 03 năm 1947, chú bé Căn rời Bút Đông lên Hà Nội để đến Đại chủng viện. Khi được thụ phong linh mục năm 1949, mẹ ông ở miền quê Bút Đông xa xôi không thể lên Hà Nội dự lễ. Khoảng năm 1952, làng Bút Đông bị Pháp ném bom, bà phải lên Hà Nội với con gái. Năm 1954 bà theo con gái di chuyển vào Nam. Trong tháng đó, Giáo hoàng Phaolô VI tiếp thân mẫu của ông tại phòng khách và chụp hình kỷ niệm. Sang ngày hôm sau, sau khi bế mạc Đại hội đồng Giám mục Thế giới, ông đến trụ sở Trung ương Dòng Phanxicô ở Roma thăm linh mục Tổng Phục vụ Constantin Koser và ngỏ ý xin vào dòng Ba Phanxicô. Linh mục Tổng Phục vụ đón tiếp và miễn chuẩn cho ông khỏi phải "Tập" qua năm theo luật Dòng và nhận lời khấn của ông, đồng thời ủy quyền cho ông lập dòng Ba Phanxicô trong giáo phận.[16]

Năm 1975, ông xuất bản 5.000 cuốn Tân Ước do mình dịch.[16] Năm sau đó, ông và một số người xuất bản ba tập Thánh Ca I, II, và III.[gc 8] Cùng trong năm, ông tháp tùng tân Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê đi nhận mũ đỏ (nhận tước Hồng y). Tháng bảy, ông và Hồng y Trịnh Như Khuê được đón tiếp tại Paris như một sự hiệp thông của linh mục tu sĩ hải ngoại với Giáo hội quê hương.[54][gc 9]

Ngày 26 tháng 6 năm 1977, ông phong chức linh mục cho chín người tại Nhà thờ chính tòa Hà Nội.[56] Hơn một năm sau đó, khi Giáo hoàng Phaolô VI qua đời, Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê sang Roma bầu tân Giáo hoàng.[57] Giáo hoàng Gioan Phaolô I được chọn ngày 26 tháng 8; Hồng y Trịnh Như Khuê chưa kịp về nước thì tân Giáo hoàng đã đột nhiên qua đời.[58] Hồng y Khuê phải ở lại tiếp tục bầu Giáo hoàng mới, lần này Giáo hoàng Gioan Phaolô II được chọn vào ngày 16 tháng 10.[59] Sau đó, Hồng y Trịnh Như Khuê về nước và ngày hôm sau vẫn dâng lễ bình thường, nhưng đến tối thì bị nhồi máu cơ tim và đột ngột qua đời. Với chức vụ Tổng giám mục Phó, Giám mục Trịnh Văn Căn đương nhiên kế vị chức vụ Tổng giám mục chính tòa Tổng giáo phận Hà Nội,[60] trở thành người thứ hai đảm nhiệm cương vị này.[61] Tổng giám mục kế vị Trịnh Văn Căn đã chủ tế lễ tang của Cố hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê, đồng tế với ông còn có 11 giám mục và 50 linh mục.[39][62]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giuse_Maria_Trịnh_Văn_Căn http://www.giaoxugiaohovietnam.com/BuiChu/01-Giao-... http://mes.stparchive.com/Archive/MES/MES10021987P... http://www.tulsaworld.com/archives/world-death/art... http://www.ucanews.com/story-archive/?post_name=/1... http://danchuausa.net/giao-hoi-viet-nam/giu-bui-tr... http://danchuausa.net/giao-hoi-viet-nam/muc-tu-nha... http://giaophanvinh.net/modules.php?name=News&op=v... http://www.vietcatholic.net/News/Html/243094.htm http://www.vietnamvanhien.net/toiphaisong.pdf http://hdgmvietnam.org/giao-hoi-cong-giao-viet-nam...